Tép thanh trà đúng độ chín có màu hơi vàng, láng bóng và mọng nước nhưng ăn lại giòn, thoảng một chút vị chua, thơm mà không nhân nhẩn đắng như một vài loại bưởi. Cây thanh trà trồng lâu ngày cho trái nhỏ hơn nhưng rất ngon mà người Huế thường gọi là “thanh trà lão”.
Để chọn được trái thanh trà ngon không dễ. Thậm chí người mua có thể nhầm thanh trà với những loại bưởi khác hay mua phải “trái thanh nhu” như cách người Huế thường nói. Phải biết lúc nào thì thanh trà ngon nhất.
Đầu mùa, thanh trà thường chưa được ngon vì tép còn khô và nhỏ. Phải đợi đến lúc trái thanh trà được tắm những cơn mưa đầu mùa thì tép mới mọng nước, vàng ươm. Nhưng gặp mưa kéo dài thì vị thanh trà sẽ nhạt hẳn đi. Người Huế thường mua một chục hoặc vài chục thanh trà về xâu lại, treo lên, có thể để được cả mấy tháng sau. Sau khi mua về đừng vội ăn ngay mà nên để vài ngày cho “ráo”, lúc ấy thanh trà mới cho vị ngọt đậm đà.
Món mực khô trộn thanh trà là một trong số ít món ăn Huế sử dụng trái cây làm nguyên liệu chính. Mực khô nướng lên, đập cho tơi rồi tước thành sợi, thêm gia vị xào trên bếp, sau cùng cho những miếng nhỏ thanh trà vào trước khi nhắc chảo khỏi bếp. Món này chế biến rất đơn giản nhưng lại là “độc chiêu” của ẩm thực Huế bởi trái thanh trà chỉ có ở Huế. Mực khô nướng thơm lừng nhưng dai, tép thanh trà mềm, giòn và ngọt thanh kết hợp với nhau thật khéo.
Vui lòng đợi ...